Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011



Ed.Hầu như mọi thuốc đều được chuyển hóa ở gan, thế nên nếu gan có vấn đề gì thì tất yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuốc. Một số thuốc còn có mức độ gây viêm gan nặng và điển hình...

Gan dễ bị ảnh hưởng

Gan là một cơ quan thải độc và chống độc đặc biệt của cơ thể. Tác dụng chống độc của gan thể hiện ở chỗ sẽ phân hủy thuốc và các chất độc thành những chất không độc rồi thải trừ ra khỏi cơ thể.
Do tính đặc thù mang nét “cửa ra vào” như thế mà gan dễ bị tấn công và hay bị viêm nhất do độc tính của thuốc. Mặc dù tỷ lệ bị nhiễm độc gan do thuốc không nhiều nhưng nó lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo những quan sát thống kê, tỷ lệ bị bệnh lý của gan do thuốc vào khoảng 1,4% và chỉ có 20% trong số bệnh nhân này là có thể sống sót. Còn lại đa phần thì bị nhiễm độc nặng và tử vong. Các thuốc khác nhau có độc tính với gan khác nhau và tỷ lệ gây bệnh cho gan cũng khác nhau. Tỷ lệ gây độc gan của thuốc phụ thuộc vào độc tính của chúng và tần suất được sử dụng. Độc tính càng lớn, mức độ sử dụng càng thường xuyên thì bệnh gan do thuốc càng nhiều.

Các thuốc gây ra viêm gan

Các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm non-steroid
Đại diện của nhóm này như acetaminophen, diclofenac, ibuprofen, naproxen, nimesulide, piroxicam, sulindac. Những thuốc này tuy có cấu tạo hoá học khác nhau nhưng đều chung một tác dụng là hạ sốt, chống viêm và giảm đau. Tuy nhiên, ngoài tác dụng chính thì tác dụng phụ của nó cũng vô cùng đáng ngại. Một trong các tác dụng phụ của nhóm này là gây ra viêm gan vàng da, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Nhất là khi chúng ta sử dụng thuốc loại acetaminophen với tên thuốc thông thường là paracetmol.
Paracetamol là một thuốc hạ sốt quá quen thuộc. Nếu sử dụng một hai liều hạ sốt thì không thành vấn đề nhưng nếu sử dụng nồng độ cao và kéo dài thì sẽ gây ra viêm gan, nhất là gan ở trẻ em. Tỷ lệ gây bệnh về gan dao động từ 30-40%, một tỷ lệ không hề nhỏ trong sự cố viêm gan do thuốc.
Vấn đề viêm gan vàng da được đặt ra khi thời gian sử dụng thuốc là trên 1 tuần. Bắt đầu từ thời điểm này, dấu hiệu viêm gan vàng da bắt đầu xuất hiện. Và nếu chúng ta không chú ý thì chỉ sau một thời gian ngắn nữa, bệnh sẽ đi vào giai đoạn điển hình.
Thuốc kháng giáp trạng
Thiouracil là loại thuốc điển hình của nhóm này. Thuốc có tác dụng ức chế hấp thu iốt vào trong tuyến giáp nên nó làm giảm sự tổng hợp hormon thyroxin, dùng điều trị cho những trường hợp có nhiễm độc giáp như bệnh Basedow. Tuy nhiên, thuốc cũng gây viêm gan. Ngay trong tuần đầu tiên sử dụng men gan đã bắt đầu tăng cao. Nếu như đối tượng sử dụng thuốc mà bị bệnh tuyến giáp nặng thì họ sẽ được chỉ định dùng liều cao, có khi lên đến 8 viên/ngày. Liều cao như thế thì không cần một tuần mà chỉ cần khoảng 3 ngày là có thể dẫn tới biến chứng trên gan.
Mặt khác, thuốc lại phải sử dụng kéo dài mới đủ liệu trình điều trị nên nguy cơ gây viêm gan của nó là rất lớn. Do đó, trong chiến lược sử dụng thuốc cũng như việc tuân thủ điều trị, cả thầy thuốc và bệnh nhân phải dè chừng nhóm thuốc này. Tỷ lệ gây viêm gan của nó là 10%.
Thuốc trị lao
Thuốc trị lao có rất nhiều loại và phác đồ điển hình trị bệnh lao thường là phối hợp 4 thuốc trong đợt tấn công. Trong số các thuốc trị lao thì isoniazid, pyrazinamide, rifampicin là những thuốc gây viêm gan nặng nề nhất, đặc biệt là isoniazid. Tác hại trên gan của thuốc này nguy hiểm chẳng kém gì thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Ngay trong thời gian đầu dùng thuốc, thuốc đã làm men gan tăng cao (như viêm gan thực thụ). Mặc dù chưa gây ra vàng da ngay nhưng nó có thể hủy hoại toàn bộ gan của người bệnh.
Cũng giống như thuốc trị bệnh Basedow, thuốc trị lao cũng phải sử dụng liên tục trong thời gian dài. Do đó mà tác hại trên gan như được cộng lên theo cấp số cộng. Nếu không được bảo vệ đầy đủ thì sau khi chữa khỏi lao rất có thể chúng ta phải quay sang chữa thêm bệnh gan.
Thuốc trị động kinh
Cho đến nay có khoảng 20 thuốc chống động kinh tính cả thế hệ cũ và thế hệ mới. Mỗi một thuốc chống động kinh có cơ chế tác động khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều đem lại hiệu quả là tăng tính ức chế trên những tế bào thần kinh xung quanh ổ động kinh. Và do đó thuốc có tác dụng ngăn chặn và kìm hãm sự phát cơn, giảm độ lan tràn của cơn và động kinh được kiểm soát. Nhưng đáng tiếc là dù thuốc mới hay thuốc cũ, thì chúng đều là những hợp chất hoá học có thể làm thay đổi tính toàn vẹn của gan. Hai thuốc valproat và phenytoin gây ra hủy hoại gan tương đối rõ. Mức độ hủy hoại gan tùy thuộc vào nồng độ sử dụng và phụ thuộc vào tình trạng gan của bệnh nhân. Nếu trong thời gian dùng thuốc mà gan người bệnh có vấn đề sẵn thì kể như chúng ta phải điều trị hai bệnh đồng thời động kinh và viêm gan. Tỷ lệ gây ra bệnh gan do thuốc động kinh là 7%.
Thuốc chống ung thư
Có quá nhiều thuốc chống ung thư mà chúng vẫn hay được gọi là hóa chất chống ung thư. Những thuốc này là những thuốc cực độc và chuyện viêm gan do thuốc này là chuyện không có gì phải bàn cãi. Thuốc chống ung thư được coi như là những thuốc độc, cực độc với cơ quan tiết mật. Gan có thể sẽ bị viêm ngay sau ngày truyền đầu tiên và chỉ 2-3 hôm sau là có biểu hiện rõ ràng. Điển hình là các thuốc cyclophosphamide, cisplatin, doxorubicin. Do vậy, trong trị liệu ung thư chúng ta phải cân nhắc và tính toán sao cho ít ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân nhất. Nếu không sẽ không hoàn thành được chương trình điều trị vì sức khỏe bệnh nhân sa sút không thể chống đỡ tiếp được.
Điều người bệnh không nên bỏ qua
Vì vậy, đối với các thuốc gây độc cho gan này, bác sĩ phải có chiến lược điều trị thích hợp, còn người bệnh thì cần tự theo dõi sức khỏe của mình đặc biệt là vấn đề gan mật để có những thông tin phản hồi. Tránh quan niệm uống thuốc thì phải “bị như thế” mà cố tình không thông báo cho bác sĩ, như vậy chẳng khác nào chúng ta cố tình làm bệnh của mình thêm phức tạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.