Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

PHCN

Phục hồi vận động sau điều trị gãy xương bằng bó bột

Bó bột nói chung hay các biện pháp bất động khác là một trong những phương pháp điều trị gãy xương bên cạnh điều trị phẫu thuật. Đối với gãy xương, điều trị phẫu thuật có những thuận lợi là giúp bệnh nhân vận động các khớp sớm, sự phiền toái ít, tuy nhiên điều trị phẫu thuật có những nguy cơ nhất định nên trong một số trường hợp có thể, việc điều trị gãy xương bằng bó bột đem lại những hiệu quả và ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, một trong những phiền toái của bó bột là ảnh hưởng đến vận động của các khớp và làm yếu sức cơ, do đó phục hồi vận động sau bó bột là một trong những nội dung điều trị cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Nếu bó bột lâu, sẽ đảm bảo được sự liền xương nhưng sẽ làm tăng nguy cơ cứng khớp và việc tập luyện sẽ khó khăn. Nếu tháo bột sớm, tập vận động sớm thì sẽ giảm nguy cơ cứng khớp nhưng nếu đánh giá không tốt, có thể có nguy cơ di lệch ổ gãy thứ phát nếu ổ gãy liền chưa tốt. Do đó, việc tập phục hồi chức năng sau bó bột đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, bác sỹ phục hồi chức năng và bác sỹ chấn thương chỉnh hình mới có thể đạt được kết quả tốt nhất được.
Những biện pháp phục hồi bao gồm
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.

 Bệnh nhân gãy xương cần kiên trì phục hồi vận động.

Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 - 30cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu.
Một số vấn đề thường gặp
Sau gãy xương, thông thường bệnh nhân sẽ gặp tình trạng phù nề phần bàn chân hoặc bàn tay kéo dài. Nguyên nhân là do tình trạng kém lưu thông của máu và dịch từ ngoại vi trở về, tình trạng này sẽ giảm dần và hết trong thời gian từ vài tháng cho đến hàng năm, tùy theo vị trí gãy( chân hay tay), loại gãy( đơn giản hay phức tạp, kín hay hở, ...), thời gian bất động bột( lâu hay ngắn), ....
Ngoài ra, do tình trạng bất động bột kéo dài nên bệnh nhân có tình trạng loãng xương cục bộ do đó, có thể có triệu chứng đau, nhức mỏi kéo dài. Vì vậy, kể cả sau khi bỏ bột, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung canxi cũng đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện nhanh các triệu chứng.
Một số trường hợp, gãy xương ở những vị trí tương đối đặc biệt, có thể gặp một số biểu hiện của một số triệu chứng của thần kinh như tê bì, dị cảm, ...bạn cần thăm khám với các bác sỹ chuyên khoa để có được tư vấn và điều trị kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.